Quyền tự do khởi kiện vụ án dân sự theo pháp luật Việt Nam
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự, theo đó ngoài việc tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình còn mở rộng quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác, lợi ích của nhà nước và lợi ích công cộng. Việc mở rộng quyền khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân, phù hợp với các văn bản pháp luật khác và tinh thần hội nhập quốc tế.
Về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác, lợi ích của nhà nước và lợi ích công cộng được quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự gồm:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Như vậy so với trước đây, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quyền khởi kiện đối với Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Theo Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật gồm: Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm nguyên tắc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
Quyền khởi kiện của vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, có quyền khởi kiện khi phát hiện vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn; một trong các bên bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của Luật này.
Đối với hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, Điều 28 Luật bảo vệ quyên lợi người tiêu dùng quy định về quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu và đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Bộ luật lao động năm 2012 quy định về quyền khởi kiện của Ban chấp hành Công đoàn yêu cầu Tòa án tuyên đình công hợp pháp.
Mời các bạn quan tâm tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “ Quyền tự do khởi kiện vụ án dân sự theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Đàm Thị Hoa tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33203
Nhận xét
Đăng nhận xét