Nhà nước pháp quyền và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước
Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”; tổ chức và hoạt động của
nó dựa trên một trong những nguyên tắc nền tảng: “Quyền lực Nhà nước là thống
nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ”.
So
với Cương lĩnh năm 1991, lần này Cương lĩnh chẳng những bổ sung thêm “Nhà nước
ta là Nhà nước pháp quyền XHCN” mà còn đưa một nội dung mới vào nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước là “Kiểm soát giữa các cơ quan trong việc
thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Quyền
lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Việc nắm giữ,
tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để thực hiện
được những mục đích đã đề ra, mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích nhất cho nhân
dân, đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình nắm giữ, tổ chức và thực hiện quyền lực
nhà nước thường tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ khác nhau như tham nhũng, lãng
phí, lạm quyền…có thể dẫn tới tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước. Và không chỉ dừng lại ở nguy cơ tiềm ẩn mà nhiều nguy cơ trong
quá trình cầm quyền đã phát sinh thành những tai họa, tệ nạn tiêu cực trên thực
tế làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, danh dự của cán bộ, công chức, các cơ quan
nhà nước, làm giảm hiệu quả của bộ máy nhà nước, gây hậu quả xấu đến công cuộc
quản lý và xây dựng đất nước, lợi ích và đời sống nhân dân…Vì vậy, vấn đề kiểm
soát và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách trong quản
lý nhà nước ở nước ta hiện nay.
Trước
hết, kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước
pháp quyền XHCN là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực nhà
nước không phải là quyền lực tự có của Nhà nước mà quyền lực của nhân dân, được
nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền
lực nhà nước của mình mà lại giao cho Nhà nước thay mình thực hiện, nên tất yếu
nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Mặt
khác, khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước lại thường vận động theo xu
hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ của
nhân dân là số đông chuyển sang số ít của một nhóm người hoặc của một người).
C.Mác gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước
là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những
con người cụ thể thực thi. Mà hành động của con người thì luôn luôn chịu sự tác
động của các loại tình cảm và dục vọng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất3.
Đặc biệt là khi lý tính bị chi phối bởi các dục vọng, thói quen hay tình cảm
thì khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước càng lớn. Với đặc
điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm
đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà
nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền là nhân dân đối với người
được ủy quyền là Nhà nước. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không phải là một đại
lượng có thể cân, đong, đo, đếm xác định được một cách chính xác, để có thể
giao quyền một cách cụ thể. Điều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực
nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, mâu thuẫn chồng chéo hoặc trùng lắp
trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, làm cho
hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước bị hạn chế.
Xuất phát từ đòi hỏi khách quan nói trên,
quyền lực nhà nước thường được lượng hóa, phân định thành các quyền lập pháp,
hành pháp và tư pháp. Sự lượng hóa này là để giao cho các cơ quan nhà nước khác
nhau, thay mặt nhân dân thực hiện. Sự phân định các quyền như vậy là điều kiện
cơ bản để nhân dân giao quyền mà không bị lạm quyền, nhân dân kiểm soát và đánh
giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao. Đồng thời
cũng là để cho các cơ quan tương ứng được giao quyền đề cao trách nhiệm trong
việc thực thi quyền lực nhà nước và tự kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước
được giao của mình. Vì thế, phân công quyền lực nhà nước là cơ sở, là đòi hỏi
khách quan để thực hiện được việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
Quyền lập pháp là quyền đại diện cho nhân
dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được nhân dân trao quyền này
là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội.
Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho nhân
dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân được thể hiện trong các đạo luật mà
mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật là
quyền lập pháp. Đồng thời, là người thay mặt nhân dân giám sát tối cao mọi hoạt
động của Nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện quyền hành pháp. Đây là một hình
thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức bộ máy nhà nước để góp phần
giúp cho các cơ quan hành pháp và tư pháp làm đúng, làm đủ nhiệm vụ quyền hạn được
giao, hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền.
Quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện
ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt
mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước (hay cai trị) mà thực chất là tổ
chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội.
Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu, thông minh thì không thể có một
Nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện
quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy,
quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất. Đồng thời phải thường
xuyên kiểm tra, thanh tra - một hình thức kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy
hành pháp.
Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân
dân giao cho Tòa án và các cơ quan tư pháp. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này. Mọi cá
nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa
án. Đây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các
hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy,
bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của quyền
tư pháp. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo
vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của Tòa án. Kiểm sát các hoạt
động tư pháp của Viện kiểm sát, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án -
là các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy tư pháp để đảm bảo
cho quyền tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Như vậy, xuất phát từ đặc điểm của quyền lực
nhà nước, việc phân định thành ba quyền nói trên là một nhu cầu khách quan. Thực
tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta chỉ ra rằng, việc phân định
rành mạch ba quyền là cách thức tốt nhất để phát huy vai trò của nhà nước đồng
thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Mời
các bạn quan tâm tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “Nhà nước pháp quyền và vấn đề
kiểm soát quyền lực nhà nước” của tác giả Lê
Thị Loan tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33190
Nhận xét
Đăng nhận xét