Viêm gan B và những điều cần biết



Viêm gan B là bệnh nguy hiểm, xếp thứ 9 trong các nguyên nhân gây tử vong, song có thể dự phòng hiệu quả nhờ tiêm ngừa.


Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, ước tính khoảng 2 tỷ người trên thế giới được chẩn đoán đã hoặc đang nhiễm virus này, trong đó 350 triệu người bị mãn tính. Hằng năm hơn một triệu người chết do các tổn thương gan gây ra bởi virus này (viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan).
Cũng theo WHO, 3/4 dân số thế giới sống trong những vùng lưu hành cao dịch viêm gan B, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ hiện mắc viêm gan B ở nước ta rất cao, ước tính khoảng 8,6 triệu người đang nhiễm, tỷ lệ mạn tính khoảng 8,8% ở nữ và 12,3% ở nam giới.
Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành của viêm gan siêu vi B nên khả năng lây nhiễm bệnh rất cao. Do vậy, nhằm bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm virus, mọi người cần có kháng thể chống lại virus HBV với nồng độ trong máu ở mức đủ khả năng bảo vệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của văcxin viêm gan B đạt đến 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mãn tính của nó.
Năm 2005, sau 3 năm triển khai thí điểm, Việt Nam chính thức đưa văcxin viêm gan B trở thành văcxin thứ 7 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (cùng với 6 văcxin truyền thống là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi). Những trẻ sinh sau thời gian này, nếu tham gia đầy đủ các mũi tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng, đa số đều có miễn dịch đầy đủ với viêm gan siêu vi B.
Theo khuyến cáo, người trưởng thành hay trẻ lớn chưa được tiêm văcxin từ chương trình tiêm chủng mở rộng và chưa có kháng thể với viêm gan siêu vi B cũng nên tiêm ngừa sớm. Đặc biệt ở nhóm dân số nguy cơ cao lây nhiễm viêm gan B như người thường tiếp xúc với máu và sinh phẩm (bác sĩ, điều dưỡng), chung sống với người bệnh viêm gan B, người có nhiều bạn tình, nam quan hệ đồng giới, người tiêm chích ma tuý, người nhiễm HIV…
Những năm gần đây, dịch vụ tiêm văcxin có thu phí cũng góp phần tăng thêm lựa chọn cho nhiều gia đình bên cạnh chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhìn chung cả 2 loại văcxin đều được đánh giá tương đương nhau về khả năng hình thành miễn dịch, mức độ bảo vệ và độ an toàn.
Các xét nghiệm cần làm trước khi tiêm chủng văcxin viêm gan B
Thông thường, trước khi tiêm văcxin viêm gan B, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B. Cụ thể là:
- HBsAg để tìm kháng nguyên bề mặt của virus (HBV - surface Antigen).
- AntiHBs (hay HBsAb) để tìm kháng thể kháng nguyên bề mặt của virus (HBV surface Antibody).
- AntiHBc để tìm kháng thể kháng kháng nguyên lõi của virus (HBV core antibody).
Kết quả:
Nếu HBsAg dương tính tức là đang nhiễm virus (cấp hay mạn tính) thì không có chỉ định tiêm văcxin.
Nếu HBsAg âm tính, antiHBs dương tính, AntiHBc âm tính: Người này đã miễn dịch nhờ tiêm chủng trước đó.
Nếu HBsAg âm tính, antiHBs dương tính, AntiHBc dương tính: Người này đã có miễn dịch nhờ nhiễm HBV trước đó và khỏi bệnh.
Nếu HBsAg âm tính, antiHBs âm tính: Người này chưa có miễn dịch, không nhiễm bệnh, có chỉ định tiêm văcxin.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Định tuổi tương đối của đá

Multifunctional drug nanosystems: A summary of recent researches at IMS/VAST

Đình ngự triều Di Quy (Cổ Loa - Hà Nội)