Nghi lễ cầu siêu - cầu an trong cộng đồng các dân tộc tại Nam Bộ



Nam Bộ là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá của các thành phần dân cư khác nhau, và cho đến nay, nơi đây vẫn là một vùng dân cư – dân tộc hỗn hợp gồm các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm cùng các tộc người bản địa như người Chơro, người Stiêng và một số tộc người di cư đến như người Nùng, v.v…



Các cộng đồng tộc người này có những hoạt động tín ngưỡng nảy nở trong bối cảnh sinh thái nhân văn đặc trưng ở Nam Bộ từ thời kì khẩn hoang cho tới nay. Trong bài này chúng tôi đề cập đến nghi lễ “Cầu siêu - cầu an”. Cầu siêu là cầu siêu thoát cho vong linh người chết. Cầu an là cầu bình yên cho người sống. Hai nghi lễ này thường đi đôi với nhau trong tín ngưỡng các dân tộc ở Nam Bộ, nhưng tuỳ theo tính chất mỗi cuộc lễ mà yếu tố cầu an hoặc cầu siêu sẽ trội hơn.
Các nghi lễ của là lễ hội (ritual) được tiến hành dưới dạng nghi lễ tôn giáo hoặc nghi lễ thế tục hay kết hợp cả hai. Nghi lễ thế tục, trong một phạm vi nào đó cũng như phong tục tập quán, là quy ước lặp đi lặp lại thành thói quen ăn sâu thành nếp vào tâm thức tôn giáo, vào đời sống xã hội – văn hoá, trong sinh hoạt của cộng đồng, được mọi thành viên trong cộng đồng thừa nhận và cùng làm theo, tạo sự gắn kết bền vững của cộng đồng.


Nghi lễ thế tục trong mỗi cộng đồng tộc người không giống nhau, do đó, có thể phân biệt tộc người này với tộc người khác qua tiêu chí nghi lễ. Có những nghi lễ truyền thống, có nghi lễ được cách tân, có nghi lễ cho tới nay vẫn phù hợp với cuộc sống đương đại, nhưng cũng có những nghi lễ bị xem là lạc hậu, lỗi thời, v.v…
Đối với trường phái lí thuyết chức năng, Malinowski nhấn mạnh đến chức năng tâm sinh lí của lễ nghi. Từ ví dụ nổi tiếng của Malinowski về đời sống của người Trobriand ở một đảo của Thái Bình Dương đã rút ra nhận định là phù phép để trấn an chính con người về mặt tâm lí, mong được an toàn… Lí thuyết Malinowski đưa ra giả thuyết là môi trường càng bất trắc và kết quả càng bấp bênh thì con người lại càng cần đến lễ nghi, phù phép.


Trong bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội tại Nam Bộ, nhất là thời kì khẩn hoang, con người đã chịu nhiều thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên và cuộc sống, với tâm lí bất an, đầy đe doạ bởi bệnh tật, chiến tranh, tai nạn… nên họ rất cần có những nghi lễ mang sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng, phù phép để họ được trấn an.
Theo Hy Văn Lương, khi nghiên cứu về nghi lễ, lễ hội, người nghiên cứu không dừng lại ở miêu tả dân tộc học những chi tiết về cơ cấu tổ chức và diễn biến của các nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng, mà cần gắn các nghi thức lễ hội với bối cảnh kinh tế, xã hội vĩ mô và vi mô, cũng như lịch sử quá trình tương tác xã hội diễn ra trên thực tế ở địa phương; ngoài ra còn cần tìm hiểu những mâu thuẫn xã hội, trong đó có khía cạnh giới và các hệ quy chiếu khác nhau như đẳng cấp, chức nghiệp, gia đình, dòng tộc, làng xóm… trong quan hệ giữa các chủ thể hành động tham gia vào lễ hội.
Trở lại với nghi lễ cầu siêu – cầu an của các cộng đồng dân tộc tại Nam Bộ thì bối cảnh kinh tế - văn hoá – xã hội khi tín ngưỡng đó mới phát sinh là một Nam Bộ thời khẩn hoang, thiên nhiên hoang dã, dịch bệnh lan tràn trong khi y học còn vắng bóng, tiếp đó là chiến tranh gây chết chóc, tang thương và hiện nay thì con người còn là nạn nhân của tai nạn giao thông… Trong bối cảnh đó, trước đây một bộ phận người dân tại Nam Bộ cho là do bàn tay của các thần ôn dịch, cô hồn, ma quỷ quấy phá. Để đối phó với các thế lực vô hình này, người dân Nam Bộ phải dựa vào tôn giáo, phù phép và điều này đã đưa họ xích lại gần nhau trong một khối cộng đồng cư dân có chung không gian nghi lễ - nghi lễ cầu siêu, cầu an.
Ý nghĩa của nghi lễ “Cầu siêu – cầu an” là thí thực và cầu siêu các cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ để chúng không làm hại con người và từ đó cũng đem lại sự an lành cho dân cư, cho làng xóm.
Thời điểm cư dân ở Nam Bộ tổ chức nghi lễ cầu siêu – cầu an thường vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch, là những tháng đầu mùa viêm nhiệt, lúc thời tiết dễ xảy ra dịch bệnh.
Tuỳ đặc trưng mỗi địa phương và tuỳ theo nhu cầu, tâm lí của mỗi dân tộc mà nghi lễ cầu siêu – cầu an diễn ra tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như chùa, đình, đền, miếu… Nhưng dù diễn ra ở đâu thì nghi lễ cầu siêu – cầu an của các tộc người Việt, Khmer, Hoa cũng đều có sự kết hợp giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, và đặc biệt là vai trò chủ yếu của Phật giáo trong việc cúng tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Định tuổi tương đối của đá

Multifunctional drug nanosystems: A summary of recent researches at IMS/VAST

Đình ngự triều Di Quy (Cổ Loa - Hà Nội)